Những điều cần biết về điều trị tủy răng
Tủy răng là mô sợi ở giữa răng bao gồm mạch máu và các dây thần kinh. Tủy răng cùng các mô nâng đỡ xung quanh có chức năng là nuôi dưỡng cho răng, tuy nhiên trong một số trường hợp cụ thể cần phải chỉ định điều trị tủy răng, khi ấy mô nha chu xung quanh răng sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ nuôi dưỡng cho răng.
Tại sao cần điều trị tủy răng?
Tủy răng bị tổn thương, viêm nhiễm hay nhiễm trùng bởi một trong các nguyên nhân như sâu răng, các bệnh lý răng miệng, quá trình phục hình răng sứ thẩm mỹ bị chấn thương cơ học,… Sâu răng được xem là “thủ phạm” chủ yếu làm tổn thương tủy răng.
Sâu răng trong thời gian dài sẽ phá hủy men răng cùng ngà răng, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì các mô cứng của răng sẽ càng tổn thương nặng hơn và tiến sâu vào tủy răng. Khi vi khuẩn tấn công mạnh mẽ vào tủy răng sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng, viêm tủy răng. Biểu hiện tủy bị tổn thương thường là sưng, đau hoặc ê, buốt mỗi khi sử dụng thực phẩm quá nóng hay quá lạnh.
Chỉ một số ít trường hợp tủy bị tổn thương ở mức độ nhẹ, loại bỏ được nguyên nhân gây viêm sẽ tự hồi phục lại mà không cần phải điều trị. Còn lại thì hầu hết các trường hợp bị viêm tủy mà giữ lại được răng đều nên điều trị dứt điểm. Bởi vì với tình trạng viêm tủy, vi khuẩn sẽ tấn công và gây nên những cơn đau dữ dội, sưng tấy và tạo mủ.
Giữ lại những mô tủy đã chết sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm ngày càng diễn biến nặng nề hơn, có thể dẫn đến áp xe chân răng, nhiễm trùng máu… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tủy răng
Ở răng khỏe mạnh, tủy răng được bảo vệ và bao bọc bởi men và ngà răng. Thế nhưng, tổ chức này rất có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
– Sâu răng: Vi khuẩn, mảng bám trong khoang miệng có thể xâm nhập và tấn công tủy răng qua lỗ sâu, gây viêm, hoại tử tủy.
– Chấn thương: Vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng qua vùng răng tổn thương, gây viêm.
– Mòn men răng: Răng bị mài mòn đến tủy răng bởi bệnh lý răng miệng hoặc một số nguyên nhân chủ quan như thói quen vệ sinh răng miệng, thay đổi nội tiết tố khi mang thai…
– Viêm nha chu: Tình trạng viêm nhiễm diện rộng của mô nha chu (nướu, xương ổ răng, dây chằng…) cũng có thể ảnh hưởng đến tủy răng.
Ngoài những nguyên nhân trên, tủy răng rất có thể bị ảnh hưởng bởi một số hóa chất (thủy ngân, nhiễm độc chì…), thay đổi áp suất môi trường…
Những trường hợp cần điều trị tủy răng
- Tủy răng bị viêm hay hoại tử
- Răng có lỗ sâu lớn & sát với buồng tủy
- Tủy răng bị lộ ra ngoài do tai nạn, hoặc do làm phục hình
- Có mủ trắng ở nướu phía dưới chân răng( nổi lên một thời gian rồi lại xẹp xuống) gây hôi miệng hoặc mất thẩm mỹ
Quy trình điều trị tủy răng tại Nha khoa Hạnh Nhã
- Bước 1: Khám tổng quát
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe răng miệng của khách hàng, đánh giá và xác định nguyên nhân gây bệnh.
- Bước 2: Chụp X – Quang
Hình ảnh X – Quang rõ ràng sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác số lượng ống tủy, vị trí, tình trạng xương hàm cùng các mô quanh răng.
- Bước 3: Vệ sinh răng miệng, gây tê
Vệ sinh răng miệng là quy trình cơ bản và đặc biệt cần thiết nhằm tránh nhiễm trùng và hiện tượng lây nhiễm chéo bệnh lý răng miệng.
Tủy răng có thể cảm nhận và phản ứng với các kích thích từ bên ngoài. Do vậy, gây tê trước khi điều trị tủy răng là một thao tác cần thiết, giúp giảm thiểu tối đa cảm giác đau nhức, khó chịu cho bệnh nhân trong suốt quá trình thực hiện.
- Bước 4: Thực hiện điều trị tủy
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khoan và mở đường xuyên từ bề mặt răng xuống đến ống tủy. Sau đó, dùng thiết bị nha khoa chuyên dụng loại bỏ hoàn toàn tủy răng, rồi bắt đầu trám kín ống tủy bằng que Gutta – Percha.
Cuối cùng, tái tạo lại diện mạo và hình dạng của răng bằng kỹ thuật trám răng hay bọc răng sứ. Trường hợp răng tổn thương quá nghiêm trọng, phần răng còn lại không đủ kích thước phục hình bằng phương pháp thông thường thì kỹ thuật bọc răng sứ có cùi giả sẽ được bác sĩ chỉ định.
Khi răng bị tổn thương quá nặng, không thể điều trị tủy răng được thì bác sĩ mới đưa ra chỉ định cuối cùng là nhổ răng.
- Bước 5: Hẹn lịch tái khám
Thông thường, sau khi kết thúc quá trình điều trị tủy răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn đưa ra lưu ý về các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng cũng như chế độ ăn uống, chỉ định lịch tái khám (nếu cần).